Hai mươi ba năm trước, có một người con gái trẻ lang thang qua làng tôi, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng cười cười, cũng chả ngại ngần ngồi tè trước mặt mọi người.
Vì vậy, đàn bà trong làng đi qua cô gái thường nhổ nước bọt, có bà còn chạy lên trước dậm chân, đuổi "Cút cho xa!". Thế nhưng cô gái không bỏ đi, vẫn cứ cười ngây dại quanh quẩn trong làng. Hồi đó, cha tôi đã 35 tuổi. Cha làm việc ở bãi khai thác đá bị máy chém cụt tay trái, nhà lại quá nghèo, mãi không cưới được vợ. Bà nội thấy con điên có sắc vóc, thì động lòng, quyết định mang cô ta về nhà cho cha tôi, làm vợ, chờ bao giờ cô ta đẻ cho nhà tôi "đứa nối dõi" sẽ đuổi đi liền.
Cha tôi dù trong lòng bất nhẫn, nhưng nhìn cảnh nhà, cắn răng đành chấp nhận. Thế là kết quả, cha tôi không phải mất đồng xu nào, nghiễm nhiên thành chú rể.
Khi mẹ sinh tôi, bà nội ẵm cháu, hóp cái miệng chẳng còn mấy cái răng vui sướng nói:
- "Cái con mẹ điên này, mà lại sinh cho bà cái đứa chống gậy rồi!".
Có điều sinh tôi ra, bà nội ẵm mất tôi, không bao giờ cho mẹ đến gần con. Mẹ chỉ muốn ôm tôi, bao nhiêu lần đứng trước mặt bà nội dùng hết sức gào lên:
- "Ðưa, đưa tôi..."
Bà nội mặc kệ. Tôi còn trứng nước như thế, như khối thịt non, biết đâu mẹ lỡ tay vứt tôi đi đâu thì sao? Dù sao, mẹ cũng chỉ là con điên. Cứ mỗi khi mẹ khẩn cầu được bế tôi, bà nội lại trợn mắt lên chửi:
- "Mày đừng có hòng bế con, tao còn lâu mới đưa cho mày. Tao biêt được mày bế nó, tao đánh mày chết. Có đánh chưa chết thì tao cũng sẽ đuổi mày cút!".
Bà nội nói với vẻ kiên quyết và chắc chắn. Mẹ hiểu ra, mặt mẹ sợ hãi khủng khiếp, mỗi lần chỉ dám đứng ở xa xa ngó tôi. Cho dù vú mẹ sữa căng đầy cứng, nhưng tôi không được một ngụm sữa mẹ nào, bà nội đút từng thìa từng thìa nuôi cho tôi lớn. Bà nói, trong sữa mẹ có "bệnh thần kinh", nếu lây sang tôi thì phiền lắm. Hồi đó nhà tôi vẫn đang giãy giụa giữa vũng bùn lầy của nghèo đói. Ðặc biệt là sau khi có thêm mẹ và tôi, nhà vẫn thường phải treo niêu. Bà nội quyết định đuổi mẹ, vì mẹ không những chỉ ngồi nhà ăn hại cơm nhà, còn thỉnh thoảng làm thành tiếng thị phi.
Một ngày, bà nội nấu một nồi cơm to, tự tay xúc đầy một bát cơm đưa cho mẹ, bảo:
- "Con dâu, nhà ta bây giờ nghèo lắm rồi, mẹ có lỗi với cô. Cô ăn hết bát cơm này đi, rồi đi tìm nhà nào giàu có hơn một tí mà ở, sau này cấm không được quay lại đây nữa, nghe chửa?".
Mẹ tôi vừa và một miếng cơm to vào mồm, nghe bà nội tôi hạ "lệnh tiễn khách" liền tỏ ra kinh ngạc, ngụm cơm đờ ra lã tã miệng. Mẹ nhìn tôi đang nằm trong lòng bà, lắp bắp kêu ai oán:
- "Ðừng... đừng...".
Bà nội sắt mặt lại, lấy tác phong uy nghiêm của bậc gia trưởng nghiêm giọng hét:
- "Con dâu điên mày ngang bướng cái gì, bướng thì chả có quả tốt lành gì đâu. Mày vốn lang thang khắp nơi, tao bao dung mày hai năm rồi, mày còn đòi cái gì nữa? Ăn hết bát đấy rồi đi đi, nghe thấy chưa hả?".
Nói đoạn bà nội lôi sau cửa ra cái xẻng, đập thật mạnh xuống nền đất như Dư Thái Quân nắm gậy đầu rồng, "phầm!" một tiếng. Mẹ sợ chết giấc, khiếp nhược lén nhìn bà nội, lại chậm rãi cúi đầu nhìn xuống bát cơm trước mặt, có nước mắt rưới trên những hạt cơm trắng nhệch. Dưới cái nhìn giám sát, mẹ chợt có một cử động kỳ quặc, mẹ chia cơm trong bát một phần lớn sang cái bát không khác, rồi nhìn bà một cách đáng thương hại. Bà nội ngồi thẫn thờ, hoá ra, mẹ muốn nói với bà rằng, mỗi bữa mẹ sẽ chỉ ăn nửa bát, chỉ mong bà đừng đuổi mẹ đi. Bà nội trong lòng như bị ai vò cho mấy nắm, bà nội cũng là đàn bà, sự cứng rắn của bà cũng chỉ là vỏ ngoài.
Bà nội quay đầu đi, nuốt những giọt nước mắt nóng đi, rồi quay lại sắt mặt nói:
- "Ăn mau ăn mau, ăn xong còn đi. Ở nhà này cô cũng chết đói thôi!".
Mẹ tôi dường như tuyệt vọng, đến ngay cả nửa bát cơm con cũng không ăn, thập thễnh bước ra khỏi cửa, nhưng mẹ đứng ở bậc cửa rất lâu không bước ra. Bà nội dằn lòng đuổi:
- "Cô đi, cô đi, đừng có quay đầu lại. Dưới gầm trời này còn nhiều nhà người ta giàu!".
Mẹ tôi quay lại, đưa một tay ra phía lòng bà, thì ra, mẹ muốn được ôm tôi một tí. Bà nội lưỡng lự một lúc, rồi đưa tôi trong bọc tã lót cho mẹ. Lần đầu tiên mẹ được ẵm tôi vào lòng, môi nhắp nhắp cười, cười hạnh phúc rạng rỡ. Còn bà nội như gặp quân thù, hai tay đỡ sẵn dưới thân tôi, chỉ sợ mẹ lên cơn điên, quăng tôi đi như quăng rác. Mẹ ôm tôi chưa được ba phút, bà nội không đợi được giằng tôi trở lại, rồi vào nhà cài chặt then cửa. Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới biết được, ngoài tôi ra, bọn trẻ chơi cùng tôi đều có mẹ. Tôi tìm cha đòi, tìm bà đòi, họ đều nói, mẹ tôi chết rồi. Nhưng bọn bạn cùng làng đều bảo tôi:
- Mẹ mày là một con điên, bị bà mày đuổi đi rồi".
Tôi tìm bà nội vòi vĩnh, đòi bà phải trả mẹ lại, còn chửi bà là đồ "bà lang sói", thậm chí hất tung mọi cơm rau bà bưng cho tôi. Ngày đó, tôi làm gì biết "điên" nghĩa là cái gì đâu, tôi chỉ cảm thấy nhớ mẹ tôi vô cùng, mẹ trông như thế nào nhỉ? mẹ còn sống.
Không ngờ, năm tôi sáu tuổi, mẹ tôi trở về sau 5 năm lang thang. Hôm đó, mấy đứa nhóc bạn tôi chạy như bay tới báo:
- "Thụ, mau đi xem, mẹ mày về rồi kìa, mẹ bị điên của mày về rồi!"
Tôi mừng quá, đít nhổng nhổng, co giò chạy vội ra ngoài, bà nội và cha cũng chạy theo tôi. Ðây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ, kể từ khi biết nhớ. Người đàn bà đó vẫn áo quần rách nát, tóc tai còn những vụn cỏ khô vàng khè, có trời mới biết là do ngủ đêm trong đống cỏ nào. Mẹ không dám bước vào cửa, nhưng mặt hướng về phía nhà tôi, ngồi trên một hòn đá cạnh ruộng lúa trước làng, trong tay còn cầm một quả bóng bay bẩn thỉu.
Khi tôi và lũ trẻ đứng trước mặt mẹ, mẹ cuống cuồng nhìn trong đám chúng tôi tìm con trai mẹ. Cuối cùng mẹ dán chặt mắt vào tôi, nhìn tôi chòng chọc, nhếch mép bảo:
- "Thụ... bóng... bóng...".
Mẹ đứng lên, liên tục giơ lên quả bóng bay trong tay, dúi vào tôi với vẻ lấy lòng. Tôi thì liên tục lùi lại. Tôi thất vọng ghê gớm, không n