nội noi dịu dàng hơn: “Cô sống ở đâu?”
Nhưng cô vẫn giữ nét mặt đó, giống như một con vật nhỏ đang bị hoảng sợ.
Bà nội lườm ông nội một cái, nói thẳng luôn: “Chúng tôi định đưa cô về nhà, cô nói…” Bà còn chưa nói xong, cô đã quỳ sụp xuống, ra sức dập đầu lạy bà. Bà nội giật mình, vội vàng đỡ cô đứng dậy: “Cô làm gì thế? Có gì thì đứng dậy nói, mau, mau, đứng dậy!”
Nghe bà nội nói vậy, cô không những không dừng lại, ngược lại, lại dập đầu mạnh hơn, đến nỗi trán cô sưng tấy, nước mắt tuôn rơi lã chả, bà nội lập tức mềm lòng, ôm cô vào lòng, vội vàng nói: “Đừng lạy nữa, em gái ngoan, em sắp làm chị chết yểu đấy, chị không đưa em về nhà nữa, em cứ sống ở đây, coi như đây là nhà của em, ở đến khi nào em nhớ nhà, thì chúng tôi sẽ đưa em về…”
Khi bà nội nói những lời này, quả thực có hơi xúc động, sau đó chính bà cũng cảm thấy hối hận, thầm trách mình suốt nhiều ngày sau, nhưng lời nói đã nói ra, còn thân mật gọi người ta là em, dù thế nào cũng không thể nuốt lời nhanh như vậy được, cho nên, người phụ nữ lai lịch không rõ ràng đã ở lại như vậy đấy.
Cô quả thực là lai lịch không rõ ràng, cô không hề nhắc một từ về quá khứ của mình, bao gồm cả việc tại sao tối hôm đó người cô đầy máu me xuất hiện ở Câu Hồn Nha. Cô chỉ nói ông nội và bà nội tên của mình. Cô lật bàn tay ông nội ra, lấy ngón tay viết ba chữ vào lòng bàn tay ông nội: “Đỗ Xảo Nguyệt”.
Đỗ Xảo Nguyệt sống ở đây đã hơn hai tháng, trong nhà tự nhiên xuất hiện một cô gái đẹp như hoa như ngọc, đương nhiên khiến cho người khác nghi ngờ, bà nội đành phải nói là bà con họ hàng xa. Bà lúc đầu hy vọng người nhà của Đỗ Xảo Nguyệt đến tìm cô, kết quả đã hơn hai thắng trôi qua, cũng chẳng thấy ai đến tìm, như thể cô chẳng có người nhà vậy. Về sau, bà nội cũng không nhắc đến việc đưa cô đi nữa, bởi vì cô thực sự khiến người ta quý mến, sau khi cô ở lại, cuộc sống của bà nội đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều, cô luôn tranh làm việc nhà cho bà, thức khuya dậy sớm, việc gì cũng làm, không hề oán thán. Hơn nữa, bệnh gào khóc vô cớ của bác gái cũng được cô chữa khỏi, không biết cô đã dùng cách nào. Cô ôm em bé vào phòng ngủ của cô, đi một vòng, khi bước ra thì đứa bé đã không còn khóc nữa, không bao giờ khóc nữa, bà nội hỏi cô đã làm cách nào, cô lắc đầu, mỉm cười và thơm lên má bác gái. Cô cười rất dịu dàng, không hề đáng sợ chút nào, ánh mắt của cô cũng không đờ đẫn nữa, cô đã truyền sự đờ đẫn sang cho bé gái. Sau khi bé được cô chữa trị, đúng là không khóc nữa, nhưng cũng không cười nữa, thậm chí ngay cả tiếng bi ba bi bô củng không nói nữa, bác gái đã bị biến thành một đứa trẻ không bình thường. Thế nhưng, bà nội không hề chú ý đến những điều này, chỉ cần con gái không khóc nữa là bà yên tâm rồi.
Cho nên, bi kịch tất yếu sắp sửa giáng xuống.
8
Buổi trưa hôm đó, cũng giống như những buổi trưa khác, nếu như nhất định phải nói có gì khác biệt, thì chính là trưa hôm đó ánh mặt trời gay gắt hơn mọi ngày một chút. Bà nội đút bột cho bác gái ăn xong, liền đặt con lên giường ngủ. Đỗ Xảo Nguyệt bê chậu quần áo đi giật, ông nội hôm trước được người ta mời đến thôn khác để chiếu phim, ở thôn đó có hai nhà làm đám cưới, cho nên chiếu liền hai buổi, phải ngày mai mới về được. Bà nội ngồi trên đôn đá ở trước cửa, vừa sưởi nắng, vừa khâu chiếc quần bị bục chỉ, nhưng lại thiếp đi lúc nào không hay.
Bà nội nằm mơ, mơ thấy bác gái khóc, khóc rất dữ dội, bà vội vàng chạy vào trong phòng, nhưng lại không thấy con gái ở trên giường, bà tìm kiếm khắp nơi, nhưng không tài nào tìm thấy, chỉ nghe thấy tiếng khóc rấm rứt vang lên ở chính căn phòng này. Bà nội chăm chú lắng nghe, tìm kiếm nơi phát ra tiếng khóc của bé lại đột nhiên ngừng bặt, rồi ngay sau đó lại vang lên ở phía cửa. Bà chạy ra khỏi cửa theo tiếng khóc, chẳng hiểu sao khung cảnh phía bên ngoài cửa lại biến thành một bãi tha ma, xung quanh toàn là những nấm mộ lớn nhỏ khác nhau, những lá cờ trắng cắm trên nấm mộ giống như là những âm hồn đang nhảy múa. Có một người phụ nữ đang đứng trước nấm mộ bé nhất, cô ta quay lưng lại phía bà nội, mái tóc rất dài, chầm xuống tận đất, bác gái đang phủ phục trên vai cô ta, vẫy vẫy bàn tay nhỏ xíu về phía bà và khóc ngặt nghẽo. Bà nội lại nhìn thấy sự sợ hãi trong mắt con gái, lao đến ôm lấy bé thì ngón tay đột nhiên cảm thấy đau buốt, bà tỉnh dậy, hóa ra là kim đâm vào ngón tay.
Bà nội đưa ngón tay vào miệng, ngẩng đầu lên nhìn, Đỗ Xảo Nguyệt đang phơi quần áo, ánh nắng chói chang khiến bà nội hơi hoa mắt, bà nhìn tấm lưng cô ta, trong lòng chợt dâng nỗi sợ hãi bèn để chiếc quần lại, chạy vào trong phòng.
Bà chợt ngẩn người, bác gái đúng là không có trên giường.
Khi bà tìm khắp một lượt trong phòng cũng không thấy con gái, bà ấn thật mạnh vào đùi mình, đau quá!
Bà hoảng hồn kinh hãi chạy ra ngoài: “Xảo Nguyệt, Xảo Nguyệt! Em có nhìn thấy con bé đâu không?”
Đỗ Xảo Nguyệt chớp chớp mắt, lắc đầu, tiếp tục phơi quần áo.
Bà nội lại tìm kiếm khắp lượt ở trong phỏng, nhưng vẫn không tìm thấy bác gái, bà nghĩ đến người phụ nữ trong giấc mơ, toàn thân run rẩy, lẽ nào con mình thực sự đã bị người ta bắt đi rồi? Nghĩ đến đây, bà nội ngồi bệt xuống đất, khóc nức nở, không còn biết phải xử trí ra sao nữa.
Đỗ Xảo Nguyệt nghe thấy tiếng khóc của bà, vội vàng chạy vào, bà túm chặt lấy cô, nói một cách vô vọng: “Không thấy con bé đâu cả! Không thấy con bé đâu cả! Chị vừa mới chợp mắt một lúc đã không thấy nó đâu nữa…”
Đỗ Xảo Nguyệt vỗ vỗ nhẹ lên bàn tay bà nội, ra hiệu là bà đừng quá kích động, nhưng ở trong tình hình này, bà có thể không kích động được sao? Nếu là người khác, thì có kích động hay không? Bà nội đẩy Đỗ Xảo Nguyệt ra, rồi chạy ra ngoài, vừa chạy vừa hét: “Con ơi! Con ơi! Con ở đâu…”
Đỗ Xảo Nguyệt cũng đi theo ra ngoài.
Cho đến tận khi trời tối họ mới trở về, không thu được kết quả gì, bà nội còn đi đến bãi tha ma phía sau núi tìm khắp một lượt. Bà khóc sưng cả mắt, giọng cũng khàn cả đi. Đỗ Xảo Nguyệt nấu bữa tối đem lên cho bà nội ăn, bà sao có thể ăn được chứ